Lúc bị cảm lạnh mà bạn được ăn một tô cháo hành giải cảm nóng hổi thì không còn gì sướng bằng, đặc biệt là khi tô cháo do chính người thân yêu của mình nấu. Nhưng tại sao tô cháo hành giải cảm lại có tác dụng công hiệu đến vậy? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn điều đó.
   
    

Cháo hành giải cảm có thể được nấu theo cách sau:
Nguyên liệu:

• 1 muỗng canh hành lá cắt nhuyễn
• 1 muỗng canh lá tía tô cắt nhuyễn
• 1 muỗn canh lá kinh giới cắt nhuyễn
• 1 muỗn canh gừng cử cắt sợi
• 1 lòng đỏ trứng gà
• 1 nắm gạo
• 1 chút muối tiêu, hạt nêm

Thực hiện:
• Gạo vo sạch nấu với 1 lít nước cho chín nhừ, nêm với hạt nêm cho vừa ăn. 
• Lấy lòng đỏ trứng gà cho vào bát cùng với gừng cắt sợi
• Chan cháo đang sôi vào bát trứng
• Để các lọai rau thơm và hành lên trên cùng
• Trộn đều, nêm thêm tiêu xay
• Ăn nóng từng muỗng nhỏ.

  Tô cháo hành giải cảm đó có tác dụng như một nồi xông hơi nhỏ. Lúc bạn ăn nóng, thường bạn cảm thấy tóat mồ hôi và sau đó cảm thấy người nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Ra mồ hôi là một hình thức điều tiết thân nhiệt của cơ thể do hệ thần kinh tự động điều khiển. Việc tăng tiết mồ hôi và giãn nở những mạch máu ngọai biên giúp bạn giải cảm, hạ sốt và giải độc cho cơ thể. Các lọai lá cho vào tô cháo giải cảm như hành lá, kinh giới, tía tô và gừng là những lọai có tính cay, ấm … có thể làm tăng tính phát tán do vậy mồ hôi sẽ ra nhiều hơn. Ngòai ra chúng còn có tinh dầu thơm, giúp bạn cảm thấy dễ chịu và thêm tính sát trùng. 

    Ngoài tác dụng như một nồi xông hơi nhỏ, hành lá, kinh giới, tía tô, gừng, lòng đỏ trứng gà …là những liều thuốc tự nhiên cực kỳ công hiệu để trị cảm.

Hành lá: 

  Chất alicine trong hành lá diệt khuẩn rất mạnh nhưng lại dễ mất tác dụng khi nấu. Vì vậy, hành nên là thứ gia vị cuối cùng được cho vào món ăn. Hành chứa một lượng đáng kể can xi, phốt pho, kali, carotene và chất sắt, rất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, thành phần dinh dưỡng không phải điều quý nhất của nó. Hành chứa rất nhiều thành phần hóa học có tác dụng phòng chữa bệnh như acid malic, phytin và alylsulfit, tinh dầu, đặc biệt là chất kháng sinh alicine hòa tan trong nước. Alicine giúp diệt khuẩn rất mạnh đối với một số bệnh như thương hàn, lỵ, vi trùng tả, trực khuẩn, bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, nó lại dễ mất tác dụng bởi nhiệt, kiềm. Vì vậy, trong khi nấu ăn, hành là gia vị cho vào cuối cùng để tránh mất chất alicine. Ngòai ra, Hành cũng chứa chất kháng khuẩn fitoncidi. Khi có dịch bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, nên ăn hành sống để dự phòng.

Kinh giới:

  Cây kinh giới được trồng rất phổ biến ở nước ta. Thành phần hóa học có chứa nhiều các dạng tinh dầu như d- Menthone, Menthone, d- Limonene và một số hợp chất hóa học khác như Isopulegone, 1-Ethoxypentane, 3-Methylcyclohexanone, Benzaldehyde, 1-Octaen-3-Ol, 3-Octanone, 3-Octanol, Cymene, Limonence, Neomenthol, Menthol, Piperitone, Piperitenone, Humulene, Caryophyllene, b Pinene, 3,5-Dimethyl-2-Cyclohexen-1-One … Các chất này làm cho kinh giới có vị cay, tính ấm giúp phát tán phong hàn, thông huyết mạch, hạ nhiệt và có tác dụng dịêt khuẩn đường hô hấp. 

Tía tô: 

  Cây tía tô chứa rất nhiều lọai tinh dầu khác nhau, vị cay, tính ấm do vậy có tác dụng diệt khuẩn, phát tán phong hàn, giải độc, tiêu tích, hạ khí. Thường dùng để chữa cảm cúm, nhức đầu, ho, sốt, buồn nôn, ngộ độc cua cá; an thai, trừ đàm nhớt ở cổ họng và trị mụn.

Gừng:

  Gừng có vị cay do có chất Gingerol. Chất này có tác dụng làm nóng và làm giãn cơ bắp, tăng quá trình tuần hòan và chóng lành các vết thâm tím. Trong gừng (theo F.Kluchi, Chem Pharm, 1992) có các chất chống ôxy hóa, ức chế hình thành các chất gây viêm (prostaglandin, thronboplaxan, leucotrien). Gừng còn được xem có tác dụng điều hòa miễn dịch, tăng lượng corticosteron tự nhiên trên động vật thí nghiệm nhưng không gây tác dụng phụ làm teo tuyến thượng thận. Trong gừng có nhiều tinh dầu trong đó có jamical có tính diệt nấm và mecin có tính diệt khuẩn. Vì những lý do khá đa dạng này mà gừng được dùng làm thuốc chữa các chứng viêm đường hô hấp trên.
Ngòai ra, trong gừng tươi có enzym protease phân hủy rất mạnh các protein thành các amino acid làm cho thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, loại được các chuỗi peptid lạ nên chống được dị ứng cho một số người không quen. Gừng có tác dụng kích thích nhu động ruột, nhưng lại không gây nên sự co thắt quá mức ở bộ máy tiêu hóa. Điều này giải thích được tác dụng làm dễ tiêu, chống tiêu chảy, đầy hơi và chống ói mửa. 

Lòng đỏ trứng gà: 

  Lòng đỏ trứng gà là một hỗn hợp phức tạp của nhhiều thành phần rất nhỏ khác nhau. Lượng chất rắn của lòng đỏ trứng gà khoảng 50%. Protein và lipid là những thành phần chính chủa lòng đỏ trứng gà chiếm khoảng 15,7-16,6% và 32-35% tương ứng (Powrie và Nakai ; 1985). Lòng đỏ chứa khỏang 66% triglycerol, 28% phospholipid, 5% cholesterol avf một lượng nhỏ các loại lipid khác. Người ta ước lượng rằng thành phần của phospholipid lòng đỏ là 73% phosphatidylcholine (PC), 15,5% phosphatidylethanolamine (PE), 5,8% lysophosphatidylcholine (LPC), 2,5% shingomyelin, 2,1% lysophosphatidylethanolamine (LPE), 0,9% plasam. Như vậy ta có thể thấy lòng đỏ trứng gà được coi là một vị thuốc bổ, bồi dưỡng cơ thể rất tốt. Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều lòng đỏ trứng gà lúc đang sốt cao vì trứng gà làm tăng chuyển hóa cơ bản do đó làm tăng nhiệt độ. 

   Trên tất cả, lúc ốm mà bạn có người thân bên cạnh, tự tay nấu cho bạn một tô cháo nóng như vậy thì bạn đã cảm thấy khỏe hơn rất nhiều rồi đúng không? Chúc các bạn luôn mạnh khỏe nhé!

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Top